Siết hoạt động thẩm định giá: Cần hợp lý và cụ thểĐình chỉ kinh doanh thẩm định giá với hàng loạt doanh nghiệp |
Đại diện Hội Thẩm định Giá Việt Nam (VVA) nhận định rằng, đây là lần đầu tiên các chuẩn mực về thẩm định giá được Bộ Tài chính nghiên cứu, sửa đổi bổ sung đồng loạt, cùng lúc. Hiện dự thảo của các Thông tư kể trên đều đã được gửi đến các bộ, ngành, địa phương để lấy ý kiến. Dự kiến trước tháng 5/2024 sẽ cùng lúc được ban hành.
Vì thế, hoạt động thẩm định giá doanh nghiệp, thẩm định giá tài sản và hoạt động của các tổ chức hành nghề định giá trong các quý đầu năm 2024 sẽ có nhiều biến động. Nhiều vướng mắc, bất cập trong hoạt động thẩm định giá kỳ vọng sẽ được giải quyết trong các tháng cuối năm 2024 khi các Thông tư mới liên quan đến thẩm định giá của Bộ Tài chính có hiệu lực.
Điểm qua một số quy định về chuẩn mực thẩm định giá đang được sửa đổi, bổ sung bởi các dự thảo Thông tư của Bộ Tài chính có thể thấy rất nhiều điểm mới trong cách thức tiếp cận, phương pháp thu thập dữ liệu giá trị tài sản đã được cơ quan soạn thảo bổ sung, tích hợp trong hoạt động định giá.
Chẳng hạn, đối với định giá doanh nghiệp, ngoài các quy định về sử dụng báo cáo tài chính, trong dự thảo Thông tư mới đã quy định rõ hơn về các trường hợp áp dụng các cách tiếp cận từ thị trường (quy mô; ngành nghề kinh doanh chính; rủi ro kinh doanh, các chỉ số tài chính hoặc giá giao dịch đã thành công…); từ chi phí (căn cứ vào chênh lệch giữa chi phí thay thế để tạo ra một tài sản tương tự tài sản cần thẩm định giá) và từ thu nhập (xác định thông qua việc quy đổi dòng tiền thuần trong tương lai có thể dự báo được về thời điểm thẩm định giá). Việc này giúp cho các doanh nghiệp định giá có đủ công cụ, phương pháp để định giá công bằng giá trị các tài sản; giải quyết được các trường hợp thiếu dữ liệu về thị trường hoặc ghi nhận đủ các yếu tố làm nên giá trị doanh nghiệp nhờ vào các ước lượng dòng tiền tương lai.
Đối với định giá tài sản vô hình, từ trước đến nay, những bất cập trong việc định giá thương hiệu, định giá các tài sản hình thành từ nghiên cứu, phát minh khoa học khá phổ biến và chưa có quy định, hướng dẫn thống nhất. Nhiều viện, trường gặp khó khăn trong việc định giá các tài sản nghiên cứu khoa học hình thành từ ngân sách, lúng túng trong hoạt động định giá, thoái vốn, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước.
Hiện nay, với việc Bộ Tài chính bổ sung và cụ thể hóa các phương pháp tiếp cận định giá tài sản vô hình, bao gồm; phương pháp tiền sử dụng tài sản vô hình, phương pháp lợi nhuận vượt trội, phương pháp thu nhập tăng thêm… sẽ tạo ra cơ sở pháp lý khá thỏa đáng để định giá các tài sản vô hình trong các thương vụ cổ phần hóa, M&A, hợp tác, hợp nhất doanh nghiệp.
Kỳ vọng vào những nỗ lực hoàn thiện pháp lý về thẩm định giá của Bộ Tài chính trong việc đổi mới, bổ sung toàn diện các khía cạnh liên quan đến chuẩn mực thẩm định giá hiện nay, ông Nguyễn Thế Phượng, Phó Chủ tịch VVA cho rằng, các quy định trong các dự thảo Thông tư cơ bản đã khá phù hợp, bám sát được thực tiễn phát sinh trong hoạt động thẩm định giá và bước đầu phù hợp với các tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế.
Tuy nhiên, ông Phượng cũng cho rằng lĩnh vực thẩm định giá là lĩnh vực liên quan trực tiếp đến hầu hết các doanh nghiệp, ngành nghề của nền kinh tế. Pháp lý về định giá tài sản, định giá doanh nghiệp, ngoài Luật Giá thì còn liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến nhiều văn bản luật ở các lĩnh vực khác. Trong thời gian qua, Quốc hội đã thông qua nhiều dự án luật lớn như Luật các Tổ chức tín dụng, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản… Vì thế các văn bản hướng dẫn luật (cấp Nghị định và Thông tư) trong thời gian tới sẽ được Chính phủ và các bộ, ngành bổ sung, sửa đổi phù hợp với các quy định mới. Do đó, Bộ Tài chính cần bám sát hoạt động hoàn thiện pháp lý của các luật liên quan để tích hợp, bổ sung, sửa đổi nội dung các Thông tư liên quan đến quy tắc, chuẩn mực thẩm định giá.